Giữa thủ đô nhộn nhịp, sầm uất, có những đứa trẻ không được đến trường, không có mùa hè, rong ruổi bán hàng rong trên các tuyến phố Hà Nội.



Những đứa trẻ không được đến trường

Nhiều năm qua dư luận xã hội đã phản ánh mạnh mẽ việc trẻ em nghỉ học bán hàng rong.

Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc sát sao, nhưng vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ bán hàng rong trên phố đi bộ Hồ Gươm, vỉa hè các tuyến phố lớn, chợ Nghĩa Tân,… để kiếm tiền.

Em Nguyễn Thị Lan 10 tuổi  bán hàng rong sau giờ học, còn Trịnh Văn Hà 11 tuổi  thì bỏ học để đi bán hàng… Mặt hàng được những đứa trẻ bán là kẹo cao su, bấm móng tay, bật lửa, kẹp tóc,… và đều cùng từ quê ở Thanh Hoá theo bố mẹ ra Hà Nội mưu sinh.

Em Nguyễn Thị Lan bán hàng rong trên một tuyến phố ở phố cổ Hà Nội

Em Nguyễn Thị Lan bán hàng rong trên một tuyến phố ở phố cổ Hà Nội

Mặc cho thời tiết mưa hay nắng, những đứa trẻ trong bộ dạng dép lê, đeo khay hàng trước ngực len lỏi trong dòng người, quán ăn để bán hàng. Mỗi ngày những em nhỏ này thu nhập bình quân khoảng 200 ngàn. Được biết, số tiền đó được các em đưa cho bố mẹ của mình để mua thức ăn, hoặc sắm sửa đồ dùng trong nhà.

Ở một ngã tư đèn đỏ giao giữa đường Phạm Hùng – Trần Duy Hưng, mọi người vẫn nhìn thấy hình ảnh ¨đều như vắt chanh¨ một cậu bé bán hàng rong, xin tiền người đi đường.

Ông Nguyễn Văn Hà (48 tuổi quê ở Quốc Oai, Hà Nội) chạy xe ôm gần đó cho biết: ¨Sáng sớm đứa bé được một người đàn ông chở tới bán hàng ở đó, cho tới tối muộn thì đón về. Nhưng hỏi chuyện thì đứa bé không trả lời¨.

Cũng không ai biết, đứa trẻ được bố chở đến, hay một ¨tổ chức¨ đứng phía sau ép bán hàng, xin tiền mỗi ngày. Nhưng dù trời nắng nóng oi bức, cứ thấy đèn người qua đường dừng lại cậu bé lại bê giỏ hàng ra mời chào. Có hôm hết hàng hoặc không có hàng bán cậu bé lại ngửa mũ xin tiền người qua đường.

Cậu bé bán hàng rong ở ngã tư đèn đỏ Phạm Hùng – Trần Duy Hưng

Cậu bé bán hàng rong ở ngã tư đèn đỏ Phạm Hùng – Trần Duy Hưng

Đặc điểm chung của những đứa trẻ này đều gầy guộc, đen nhẻm, nhưng nhanh nhẹn. Rong ruổi từ trưa đến tối muộn khi phố vãn người mới chịu về nhà nghỉ ngơi. Khi mà những đứa trẻ khác đang ở trường hay ngồi vào bàn học buổi tối, thì những đứa trẻ bán hàng rong vẫn “mòn gót chân” với những câu mời chào, chèo kéo khách mua hàng.

Khi hỏi vì sao con lại thích bán hàng rong? Những đứa trẻ này đều bảo: ¨Con không thích”. Em Nguyễn Thị Lan bán hàng rong trên các tuyến phố cổ chia sẻ: “Con đã rất buồn và thực sự không muốn đi làm. Nhìn bạn bè cùng nhau đến trường trong khi con một mình với công việc này, khiến con cảm thấy tủi thân.¨

Có những đứa trẻ coi bán hàng rong như một “nghề” kiếm cơm, nên có lẽ hoài bão và ước mơ cũng không tồn tại ở trong tâm trí chúng. Khi hỏi lớn lên con muốn làm gì? Chúng đều trả lời “con không biết”. Trịnh Văn Hà 11 tuổi bán hàng rong ở chợ Nghĩa Tân vừa nói vừa bán hàng: “Con cũng không biết lớn lên làm gì? Con chỉ biết đi bán hàng rong mỗi ngày thôi”.

Em Trịnh Văn Hà bán hàng rong ở chợ Nghĩa Tân

Em Trịnh Văn Hà bán hàng rong ở chợ Nghĩa Tân

Chúng đều là những đứa trẻ từ các miền quê, gia cảnh khó khăn theo bố mẹ ra Hà Nội bươn chải nên việc học cũng dở dang. Cũng chính vì chúng còn quá nhỏ để hiểu ra được việc tầm quan trọng của việc học. Khi hàng ngày vẫn kiếm được vài trăm nghìn, thì đối với những đứa trẻ này đó mới chính là điều quan trọng của cuộc sống hiện tại.

Đứa trẻ nào cũng phải được đến trường

Chị Hoàng Thị Mai  bán bánh giò ở chợ Nghĩa Tân nhìn đứa trẻ bán hàng rong ở phía xa xa, bộc bạch: “Con chị giờ này bọn nó đang ở trường. Đáng lẽ những đứa trẻ này cũng phải được như vậy. Nhưng số phận biết làm sao được. Mình cũng chỉ đủ sức cày cuốc nuôi con mình. Nếu gia đình chị có khổ đến mức nào đi nữa thì chị cũng sẽ không bao giờ dám nghĩ tới việc cho con  nghỉ học và đi bán hàng rong như vậy.”

Những đứa trẻ bán hàng rong còn quá nhỏ để bị ép phải ¨lớn lên¨ vào đời kiếm tiền.

Những rủi ro, tệ nạn xã hội cũng là mối nguy cơ hàng đầu dễ khiến các em sa ngã. ¨Có những đứa cứ nài nỉ khách mua hàng, nhiều khách dễ tính thì không sao, nhưng có những khách khó tính, họ còn quát mắng, nạt nỗ, thậm chí đánh. Lang thang ở đường, gặp đủ kiểu người, người xấu họ lợi dụng xui khiến làm những điều bậy bã để cho tiền là điều mà các ông bố bà mẹ khi cho con đi bán hàng rong cũng nên để ý dạy bảo con¨ - Chị Trần Thu Hằng bán hàng ở chợ Ngĩa Tân chia sẻ.

Mọi đứa trẻ đều được lớn lên trong môi trường giáo dục. Bởi giáo dục là bước đệm để mọi trẻ em đều biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản để áp dụng vào cuộc sống. Đảm bảo sự phát triển về thể chất và trí lực để có hành trang trên đường đời của mình và giúp ích phát triển xã hội.

Theo Thạc sỹ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh chia sẻ: ¨Hành vi xúi giục trẻ em bán hàng rong, xin tiền của người lớn là hành vi bóc lột trẻ em để trục lợi, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tác động xấu đến an ninh trật tự xã hội. Ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, sự hình thành tính cách và tương lai của các em sau này. Việc trục lợi này của người lớn cũng đã cướp đi cơ hội đến trường, không được giáo dục, bồi đắp về kiến thức và trí tuệ. Đồng thời việc mưu sinh sớm, phải đối mặt với  những nguy hiểm như: Bạo hành, lạm dụng tình dục,... dễ khiến nhân cách trẻ bị lệch lạc, dễ sa vào các tệ nạn xã hội¨.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Lanh cũng đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng trẻ em nghỉ học đi bán hàng rong thì cần sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội. Nếu trẻ em bán hàng rong là do cha mẹ yêu cầu thì cần thay đổi nhận thức từ phía cha mẹ. Việc suy nghĩ học không quan trọng bằng kiếm tiền, là một tư duy sai lệch của nhiều ông bố bà mẹ. Con cần được đến trường không chỉ học tri thức, mà còn để có cảm xúc, có môi trường phát triển nhân cách và có mối quan hệ đúng với độ tuổi.

Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường ra soát, vận động, thuyết phục, đưa các em bán hàng rong trở về với gia đình hoặc trung tâm bảo trợ xã hội. Đồng thời phát hiện kịp thời những đối tượng có dấu hiệu ¨chăn dắt¨, ¨bảo kê¨ trẻ em bán hàng rong. Các tổ chức xã hội phối hợp dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho các em.

(Vì lý do an toàn, nên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận