Cuộc sống khó khăn, lênh đênh sông nước, con chữ trở thành thứ xa xỉ đối với những đứa trẻ vùng sông nước đầm phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế).



Những học sinh đặc biệt tại lớp học tình thương.

Thương những đứa trẻ chưa một lần đến trường nhưng luôn ước mơ, khát khao được biết chữ, ông Trần Văn Hòa đã mở lớp dạy xóa mù miễn phí cho lũ trẻ và người dân nơi đây.

30 năm làm công tác xóa mù

Dù chỉ có bằng tốt nghiệp THPT nhưng với tình thương và lòng nhiệt huyết, hơn 30 năm qua, ông Trần Văn Hòa (sinh năm 1960, ngụ thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang) vẫn cần mẫn “chèo đò” đưa con chữ đến với trẻ em xóm nghèo và nâng bước những ước mơ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Hòa cho biết: “Nhận thấy cuộc sống của người dân quê nhà suốt ngày lênh đênh sóng nước, nhiều trẻ em và người lớn mù chữ, tháng 6/1990, tôi quyết định dựng chòi sát bên nhà, mở lớp dạy xoá mù chữ miễn phí cho người dân trong vùng”.

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp học tình thương, ông Hòa chia sẻ: Ban đầu người dân không mặn mà với việc học do ngày ngày gắn liền với việc kéo lưới… nhưng với sự vận động kiên trì, các gia đình dần cho con cháu đến học, rồi cả người lớn tuổi cũng đến xin học xóa mù chữ.

Thấy được tấm lòng nhân ái của ông và sự khó khăn của vùng sông nước đầm Sam, năm 2000, Hội cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP) thông qua chính quyền địa phương tài trợ xây dựng căn nhà cấp 4 khoảng 30m2 làm điểm trường thầy tiếp tục dạy học miễn phí cho bà con trên địa bàn.

Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương giúp người dân nghèo của ông được nhiều người biết đến. Để nâng cao kiến thức, năm 2006, ông đi học bổ túc THPT. Sau khi có tấm bằng bổ túc vào năm 2008, ông Hoà học thêm 3 tháng nghiệp vụ sư phạm để nâng cao kĩ năng dạy học của mình.

Ông Trần Văn Hòa và lớp học xóa mù chữ cho người lớn tuổi.

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo

Vì là lớp xoá mù chữ nên ông Hoà chỉ dạy môn Tiếng Việt và Toán học từ lớp 1 đến lớp 4 để giúp các em đọc thông viết thạo. Sau đó, nếu em nào có nguyện vọng đi học, ông Hoà sẽ giới thiệu ra các điểm trường chính của huyện. Tuy là lớp học tình thương, nhưng ông Hòa cũng kiểm tra, chấm điểm và có phần thưởng cho những em đạt điểm cao. Từ lớp học tình thương này cùng với sự kết nối của ông với nhà hảo tâm, nhiều học sinh ở vùng quê nghèo đã vươn tới các giảng đường cao đẳng, đại học.

Hơn 30 năm gắn bó với lớp học, ông Hòa chưa một lần nhận trợ cấp. Điều ông mong mỏi nhất là “ông trời cho mình có sức khỏe để có thể giúp thêm nhiều người chưa biết chữ hơn nữa. Tôi cũng mong chính quyền địa phương, phụ huynh tạo điều kiện cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, đến lớp”.

Chị Nguyễn Thị Mùi đang theo học tại lớp học tình thương chia sẻ: Do hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học, nhiều lúc đi làm việc hay tham gia các hoạt động làng xóm rất tự ti. Từ khi theo học chữ tại lớp học tình thương chị thấy được tầm quan trọng của chữ viết, tự tin tham gia buổi tuyên truyền về các phương thức canh tác của chính quyền, hoạt động xã hội… “Tôi có 6 người con, dù khó khăn mấy cũng cố cho chúng nó học tới nơi tới chốn”, chị Mùi khẳng định.

(Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/lop-hoc-xoa-mu-chu-mien-phi-tren-pha-tam-giang-nxkHiAp7g.html)

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận