Hệ thống Giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa vẫn là đề tài nghiên cứu vẫn gây nhiều tranh cãi dù đã gần một thế kỷ trôi qua.



Ngày 15/11, Toạ đàm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa” và ra mắt Tủ sách Pháp ngữ - giai đoạn 2, được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Pháp Hà Nội nhân dịp ra mắt tác phẩm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen” của TS Nguyễn Thuỵ Phương.

Khách mời của toạ đàm có PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương; Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương và TS Mai Anh Tuấn.

Trong buổi toạ đàm, các diễn giả cùng khách mời tham dự đã tìm hiểu kỹ về hệ thống Giáo dục của Pháp ở Việt Nam thời thuộc địa - một đề tài nghiên cứu vẫn gây nhiều tranh cãi dù đã gần một thế kỷ trôi qua. Toạ đàm đã góp phần bổ sung thêm những nghiên cứu về lịch sử nói chung, lịch sử giáo dục thuộc địa nói riêng, giúp độc giả Việt có cái nhìn và đánh giá khách quan về thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thuộc địa - thời bấy giờ được xem là công cụ để thực hiện mục đích chính trị chủ nghĩa thực dân.

1

Toạ đàm “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa”

Tác giả Nguyễn Thụy Phương chia sẻ: "Cuốn sách sẽ đem lại cho độc giả những khám phá mới về giai đoạn thuộc địa, đặc biệt trên phương diện giáo dục. Cuốn sách này là phần không thể thiếu trong luận án tiến sĩ của tôi về chuyên ngành lịch sử giáo dục. Hai điểm then chốt trong giáo dục thuộc địa được đề cập là tìm hiểu nguồn gốc của sứ mạng khai hóa được coi là biểu tượng của thiết chế thuộc địa Pháp và thứ 2 là phân tích chính sách đào tạo, cản bước tinh hoa Việt".

Tác phẩm "Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen" tổng hợp về di sản giáo dục thực dân, dựa trên những tài liệu và văn bản khai thác từ các trung tâm lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa Pháp.

Tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.

Ở những thập niên đầu của thế kỷ 20, tầng lớp tinh hoa Đông Dương kiểu mới được đào tạo trong nhà trường Pháp, tha thiết với quá trình hiện đại hóa, đã bắt đầu tìm cách tận dụng những lợi ích từ sứ mạng khai hóa. Họ đòi hỏi cho con cái được học lên bậc trung và đại học, thậm chí trong những ngôi trường trung học danh giá vốn chỉ dành cho học sinh Pháp.

Trường Pháp có tiếp nhận con cái học nhưng với mức học phí đắt đỏ và đầu ra hiếm hoi và bạc bẽo. Đặc biệt, hễ khi tình hình chính trị căng thẳng, chính quyền lập tức thít chặt đầu vào ở các trường tại Pháp, chẳng hạn như hạn chế đưa sinh viên Đông Dương sang Pháp trong những năm 1930.

2

1.Tác phẩm Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa - Huyền thoại đỏ và đen

Tuy vậy, giáo dục pháp vẫn "chinh phục" giới tinh hoa người Việt, Lào và Campuchia. Ngay cả khi ảnh hưởng chính trị và quân sự của Pháp suy yếu từ những năm 1940 trở đi thì tầng lớp này vẫn tiếp tục gửi con em họ đến học ở những trường trung học Pháp.

Cảm nhận về cuốn sách, bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác Pháp ngữ Châu Á – Thái Bình Dương chia sẻ: "Đây là cuốn sách có giá trị đặc biệt về mặt tri thức bởi tác giả Nguyễn Thụy Phương đã đưa ra những nghiên cứu một cách cẩn trọng và nghiêm túc.

Tác giả dựa trên những nghiên cứu đi trước của những nhà nghiên cứu nổi tiếng kết hợp với phát hiện cá nhân về mặt tư liệu gốc để tổng hợp một bức tranh có thể khách quan nhất đối với giáo dục thuộc địa. Từ đó, chúng ta từng bước giải thuộc dân, dần dần tìm hiểu và tiến tới một xã hội mà con người có thể hiể nhau nhiều hơn".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương nhận định: "Cuốn sách gây ấn tượng bởi quan điểm của chính quyền Thực dân Pháp, của trí thức Pháp đối với những người thuộc địa và chính sách giáo dục ở thuộc địa. Ở Nhật cũng có những câu chuyện tương tự và Pháp không phải là câu chuyện cá biệt. Cuốn sách này gợi mở về thái độ của chúng ta đối với di sản lịch sử, vừa đem lại điều gì đó lại vừa đè nặng lên chính chúng ta".

Tại tòa đàm, nhiều ý kiến của khán giả tham dự được nêu lên, trong đó, quan điểm cần nhìn nhận lịch sử một cách khách quan, phù hợp được nhiều người đồng tình, nhưng thắc mắc về hệ thống sách giáo khoa, học phí cũng như mức lương của cán bộ giáo viên trong hệ thống giáo dục thời thuộc địa cũng được đề cập.

Sự kiện này nằm trong chương trình ra mắt Tủ sách Pháp ngữ - Giai đoạn 2 tại Hà Nội. Trước đó, giai đoạn 1 của tủ sách đã xuất bản được 15 tác phẩm và gây được sự chú ý trong cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận