Do không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật, ông Nguyễn Văn Nhôm đã không làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm đúng thời hạn. Hiểu ra sự việc, trước nguy cơ bị mất trắng phần đất vốn của cha mình, ông Nhôm đã làm đơn xin cứu xét cho kháng cáo quá hạn và hiện đang được TAND tỉnh Hậu Giang xem xét.



Thừa nhận đất có chủ nhưng không trả đất

Theo bản án dân sự sơ thẩm số 06/2017/DS-ST ngày 18/01/2017 của TAND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang thì phần đất tranh chấp giữa ông Nguyễn Văn Khương (nguyên đơn, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) và ông Nguyễn Văn Nhôm (bị đơn) có diện tích 8.517,7m2.

Nguồn gốc phần đất này trước đây vốn của cha ông Khương và ông Sợi (anh ông Khương). Sau đó ông Sợi được cha cho phần đất trên để canh tác.

Khoảng những năm 1980, Nhà nước có chính sách trả lại đất dã tạm lấy cho ông Sợi. Theo đó, trong khi 02 hộ dân đồng ý trả đất cho ông Sợi thì ông Khương chỉ trả lại một phần và giữ lại một phần không trả.

Đến năm 1992, ông Khương được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận tạm thời cho phần đất ông này giữ lại với diện tích 1.425,3m2. Theo đó, gia đình ông Khương cho rằng năm 1984, chính quyền có lệnh xăm canh trả lại đất gốc nhưng ông Sợi không về nhận.

Đến năm 1997, đôi bên xảy ra tranh chấp, ông Khương cho rằng ông Nhôm lấn chiếm đất của mình nên khởi kiện ông Nhôm (vì ông Sợi lúc này đã mất) yêu cầu trả toàn bộ phần đất có diện tích 8.517,7m2 cho ông Khương. Sau đó, ông Nhôm đã có đơn phản tố, yêu cầu tòa công nhận toàn bộ phần đất trên cho ông Nhôm.

Bản án sơ thẩm ghi nhận ý kiến của ông Khương thừa nhận việc nguôn gốc đất là của ông Sợi và đồng ý trả lại đất.
Bản án sơ thẩm ghi nhận ý kiến của ông Khương thừa nhận việc nguôn gốc đất là của ông Sợi và đồng ý trả lại đất.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông Khương cũng đã thừa nhận nguồn ngốc đất là của cha ông Nhôm. Ông Khương cũng có ý kiến là cũng đồng ý cho lại các con của ông Sợi trước đây với diện tích 8.000m2 nhưng phải chia đều cho 04 người con của ông Sợi (anh em của ông Nhôm) mỗi người là 2.000m2. 

“Căn cứ quy định pháp luật thì ông Nhôm có quyền kháng cáo quá hạn. Việc chấp nhận hay không đơn kháng cáo quá hạn là phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng thẩm phán cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khách quan và chủ quan, theo tôi nên chấp nhận cho ông Nhôm kháng cáo quá hạn để bảo đảm quyền lợi cho ông”.

(Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình, Đoàn Luật sư TP HCM)

Tiếp đó, trong phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng khẳng định rõ việc ông Khương có quyền sử dụng và kiện buộc ông Nhôm trả lại toàn bộ phần đất tranh chấp là thiếu căn cứ. HĐXX còn cho rằng có đủ cơ sở khẳng định nguồn gốc đất là của ông Sợi.

Đến ngày 18/1/2017 TAND huyện Long Mỹ ra bản án số 06/2017/DS-ST công nhận cho ông Khương phần đất có diện tích 1.425,3m2 (phần đất này vốn của ông Sợi nhưng ông Khương đã được cấp giấy chứng nhận tạm thời vào năm 1992). Công nhận cho ông Nhôm phần đất còn lại trong tổng số 8.517,7m2 do ông Nhôm quản lý sử dụng.

Xin kháng cáo quá hạn

Trao đổi với phóng viên ông Nhôm cho biết, bởi không biết chữ, không hiểu biết pháp luật nên khi nghe tin ông Khương kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu ông Nhôm trả lại toàn bộ diện tích đất cho ông Khương ông Nhôm không biết mình phải làm gì.

Ông Nhôm nghĩ rằng vụ việc cũng sẽ được tòa cấp phúc thẩm xem xét lại yêu cầu ban đầu của mình mà không cần kháng cáo nên đã không làm kháng cáo đúng theo thời hạn quy định.

Thế nhưng khi biết được việc kháng cáo của ông Khương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tớ quyền lợi của gia đình ông Nhôm, ngày 07/6/2017, ông Nhôm đã làm đơn xin kháng cáo quá hạn để mong Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu buộc ông Khương giao trả phần đất có diện tích 1.425,3m2 mà Tòa án sơ thẩm đã công nhận cho ông Khương.

“Thật sự tôi không biết pháp luật quy định như vậy. Nếu có tiền để thuê luật sư thì tôi đâu có rơi vào hoàn cảnh như thế này đâu chú ơi!” – ông Nhôm nói.

Sau quá trình xem xét, ngày 15/6/2017, TAND tỉnh Hậu Giang có thông báo triệu tập ông Nhôm ngày 21/6/2017 đến tòa để dự phiên họp về xét đơn kháng cáo của ông.

Khu rừng cây thuộc phần đất tranh chấp của ông Khương nằm giữa cánh đồng lúa của ông Nhôm.
Khu rừng cây thuộc phần đất tranh chấp của ông Khương nằm giữa cánh đồng lúa của ông Nhôm.

Nói về nguyện vọng trong vụ việc này, ông Nhôm trình bày: “Tôi nói bằng danh dự của mình, phần đất đó vốn của cha tôi. Chú tôi đã thừa nhận và hứa trả trong các buổi hòa giải vậy mà không chịu trả. Trái lại chú còn kiện đòi lấy hết đất nữa.

Tôi chỉ mong muốn quý tòa án xem xét chấp nhận cho tôi kháng cáo quá hạn để nhận lại phần đất vốn của cha mình. Nếu chú Khương muốn tôi trả tiền công cải tạo và hoa lợi trên đất tôi cũng chấp nhận. Là chú cháu ruột, thật lòng tôi không muốn xảy ra tranh chấp và mâu thuẫn như vậy” - ông Nhôm tha thiết đề nghị.

Hiểu được hoàn cảnh của ông Nhôm, nhiều người dân địa phương bày tỏ quan điểm mong muốn phần đất ông Khương được đang sử dụng phải được trả về cho các con của ông Sợi mới hợp tình và không trái với đạo đức xã hội. 

Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (Sửa đổi, bổ sung 2011) quy định về kháng cáo quá hạn  như sau:

"Điều 247: Kháng cáo quá hạn 1. Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 245 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Toà án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ, nếu có cho Toà án cấp phúc thẩm.

2. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Toà án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội đồng có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Toà án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn và Toà án cấp sơ thẩm; nếu Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Toà án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm".

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận