Theo Công ty Thành Nam, có nhiều giấy tờ do Công ty Posco VST cung cấp cho Tòa án có dấu hiệu bị lập khống, giả mạo chữ ký...



Cho rằng đã giao hàng đầy đủ nhưng Công ty Thành Nam chưa thanh toán hết tiền mà nợ lại hơn 58 tỷ đồng, nên Công ty Posco VST đã khởi kiện để đòi tiền. Tuy nhiên, có nhiều giấy tờ do Công ty Posco VST cung cấp cho Tòa án có dấu hiệu bị lập khống, giả mạo chữ ký người nhận hàng của Công ty Thành Nam.

Hàng chục tỷ đồng tiền nợ có thực?

Trong đơn kêu cứu gửi tới báo Pháp luật Việt Nam, công ty CP Tập đoàn Thành Nam (Công ty Thành Nam) cho biết, từ năm 2006 đến 2013, giữa Công ty Thành Nam và Công ty TNHH Posco VST (Công ty Posco VST) có quan hệ mua bán hàng hóa là thép không gỉ. Giao dịch mua bán hàng hóa dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa mà hai bên ký kết với nhau, Công ty Thành Nam đã tuân thủ theo các điều khoản của hợp đồng đã ký.

thanh-nam-1

Cho rằng hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa đúng, nên công ty Thanh Nam đang tiến hành theo trình tự Giám đốc thẩm.

Quá trình mua bán hàng hóa, các bên không có tranh chấp về chất lượng hàng hóa, giá cả, thời hạn thanh toán… Toàn bộ các hợp đồng mua bán giữa Công ty Thành Nam và Công ty Posco VST được ký độc lập theo từng đơn hàng với thời gian giao hàng và điều kiện thanh toán theo từng hợp đồng.

Hai bên chưa thực hiện theo một mẫu chung thống nhất và đều không thỏa thuận xác định công nợ theo phương thức cộng dồn.

Cụ thể, khi mua hàng Công ty Thành Nam sẽ phải đặt cọc 10% giá trị hợp đồng để Công ty Posco VST sản xuất hàng hóa.

Trước khi lấy hàng, Công ty Thành Nam sẽ thanh toán toàn bộ hoặc làm thủ tục bảo lãnh thanh toán, sau đó Công ty Posco VST mới tiến hành giao hàng.

Quy trình thanh toán giữa hai bên đểu thể hiện trên cơ sở hợp đồng đã ký kết với cùng một mẫu chung duy nhất.

Theo đó, trình tự thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa giữa hai công ty trên như sau: Ký hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên; Công ty Thành Nam đặt cọc 10% giá trị hợp đồng; Công ty Posco VST sản xuất hàng hóa và gửi danh sách trọng lượng cho khách hàng; Công ty Thành Nam gửi kế hoạch lấy hàng; Công ty Posco VST tiến hành xuất hóa đơn VAT; Công ty Thành Nam thanh toán hoặc bảo lãnh thanh toán; cuối cùng Công ty Posco VST giao hàng.

Nhìn vào trình tự nêu trên, có thể thấy rất khó xảy ra việc Công ty Posco VST để cho Công ty Thành Nam nợ tiền hàng.

Thế nhưng, Công ty Posco VST lại cho rằng, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2013, do gặp khó khăn về tài chính và hoạt động kinh doanh, nhiều lần hàng hóa đã sản xuất cho Công ty Thành Nam nhưng công ty này chưa thể nhận trong thời hạn có hiệu lực của thư bảo lãnh hoặc không thể cung cấp thư bảo lãnh.

Do vậy, Công ty Thành Nam đã đề nghị Công ty Posco VST tiếp tục giao hàng và sẽ thanh toán khi nhận hàng. Quá trình mua bán, Công ty Posco VST cho rằng đã giao hàng đầy đủ nhưng Công ty Thành Nam chưa thanh toán hết tiền nên khởi kiện ra Tòa án đòi Công ty Thành Nam thanh toán số tiền nợ là hơn 58 tỷ đồng và hơn 42,3 tỷ đồng tiền lãi chậm thanh toán.

Do Công ty Posco VST có đơn khởi kiện nên TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án về tranh chấp hợp đồng giữa hai công ty.

Ngày 8 và 10/10/2018, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Posco VST và Công ty Thành Nam ra xét xử.

Ngày 10/10/2018, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết, buộc Công ty Thành Nam phải thanh toán cho Công ty Posco VST số tiền nợ gốc là 58.066.571.730 đồng và số tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 42.356.780.000 đồng. Tổng cộng là 100.423.351.730 đồng.

Do không đồng ý với phán quyết của TAND TP Hà Nội, Công ty Thành Nam đã làm đơn kháng cáo. Ngày 8/1/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Thành Nam và Công ty Posco VST ra xét xử phúc thẩm, quyết định không chấp nhận kháng cáo của Công ty Thành Nam, giữ nguyên phán quyết của TAND TP Hà Nội. Hiện Công ty Thành Nam đang tiếp tục gửi đơn đến TAND Tối cao, VKSND Tối cao đề nghị tạm hoãn thi hành án và xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm.

Bất thường từ các phiếu xuất kho

Nói về vụ án này, Công ty Thành Nam cho rằng, quá trình TAND TP Hà Nội xét xử vụ án đã sử dụng nhiều tài liệu có dấu hiệu bị làm giả, không đúng sự thật khách quan do Công ty Posco VST cung cấp tại thời điểm đầu phiên tòa sơ thẩm ngày 8/10/2018.

Cụ thể, đối với tập phiếu xuất kho và biên bản giao hàng do Công ty Posco VST cung cấp, đây hoàn toàn là các tài liệu bản photo, nhưng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã không xem xét, đối chiếu với bản gốc, không chuyển cho bị đơn để biết, vậy mà lại sử dụng những tài liệu này để buộc Công ty Thành Nam phải trả nguyên đơn cả gốc và lãi với số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Bảng đối chiếu công nợ hàng trăm tỷ đồng mà danh tính doanh nghiệp lại là một pháp nhân có cái tên gần giống tên doanh nghiệp bị đơn. Ảnh: Thời báo Doanh nhân.

Bảng đối chiếu công nợ hàng trăm tỷ đồng mà danh tính doanh nghiệp lại là một pháp nhân có cái tên gần giống tên doanh nghiệp bị đơn. Ảnh: Thời báo Doanh nhân.

Theo Công ty Thành Nam, trên tất cả các phiếu xuất kho do Công ty Posco VST nộp cho Tòa, tại mục “Bên nhận hàng” đều không ghi “Công ty CP Tập đoàn Thành Nam” mà lại ghi tên của một doanh nghiệp khác.

Tất cả các phiếu đều không có xác nhận hoặc đóng dấu của Công ty Thành Nam và cũng không có giấy giới thiệu của Công ty Thành Nam đính kèm, dù trước đây, khi nguyên đơn nộp cho Tòa các loại chứng từ tương tự này, các tài liệu đều có xác nhận hoặc đóng dấu của Công ty Thành Nam.

Ngoài ra, địa điểm giao hàng được ghi trong phiếu xuất kho của Công ty Posco VST đa số đều không đúng thực tế. Cụ thể, tại các phiếu xuất kho gồm: Phiếu xuất kho số ANB00062 ngày 7/11/2012; Phiếu xuất kho số ANB00060 ngày 7/11/2012; Phiếu xuất kho số ANB00056 ngày 7/11/2012; Phiếu xuất kho số AMA00364 ngày 10/10/2012; Phiếu xuất kho số AM900505 ngày 25/09/2012; Phiếu xuất kho số AM501093 ngày 30/05/2013.

Tất cả các phiếu xuất kho nêu trên đều ghi nơi giao hàng là tầng 3, Tòa nhà FLC LANDMARK TOWER, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội.

Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là trụ sở văn phòng của Công ty Thành Nam, hơn nữa Tòa nhà FLC LANDMARK TOWER chỉ là tòa nhà văn phòng, hoàn toàn không thể là địa chỉ nơi giao hàng của Công ty Posco VST, vì tòa nhà này không thể cho phép các công ty có văn phòng tại đây được phép nhận số lượng hàng lớn vào đơn vị như vậy.

Ngoài địa điểm nơi giao hàng không đúng thực tế được ghi tại một số phiếu xuất kho đã nêu ở trên, còn có trường hợp thể hiện sự vô lý khác nữa đó là tại Phiếu xuất kho số AMB00310 ngày 2/8/2012 Công ty Posco VST ghi nơi đến là tầng 18, tòa tháp VP CROWN, Lô X7, đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Từ Liêm Hà Nội.

Tuy nhiên, đây không phải địa chỉ trụ sở cũng không phải kho của Công ty Thành Nam ở thời điểm lập phiếu, bởi công ty này đã đóng trụ sở tại đây từ cuối tháng 6/2012.

Ngoài ra, tại các phiếu xuất kho nêu trên của Công ty Posco VST có nhiều trường hợp ngày giao hàng lại có trước ngày bên bán xuất kho từ 1 đến 3 tháng.

Một điều vô lý nữa, là dù hàng xuất kho ở cùng thời điểm nhưng hàng được giao đến khách lại ở các thời điểm rất xa nhau (có trường hợp cách nhau đến vài tháng).

Như vậy, trong thời gian vài tháng này, hàng đã xuất kho nằm ở đâu, do ai quản lý, đây là câu hỏi mà Công ty Thành Nam đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời hay giải thích nào từ phía Công ty Posco VST và TAND TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm của TAND TP Hà Nội cũng chưa làm rõ việc một số phiếu xuất kho nêu trên không có chữ ký người nhận, có trường hợp cùng một người nhưng chữ ký ở các phiếu lại khác hẳn nhau(?).

Điển hình như trường hợp ghi tên người nhận hàng là anh Nguyễn Ngọc Trung - Nhân viên nhận hàng của Công ty Thành Nam thời điểm đó.

Vẫn trong số phiếu xuất kho nêu trên, có nhiều phiếu còn ghi “chưa cân lại” hoặc “số lượng chưa cân”, điều này có thể thấy người lập phiếu chưa dám chắc có đúng với số lượng, chất lượng thực tế xuất kho và giao nhận hay không?

Phải chăng họ e ngại rằng nếu so sánh đối chiếu thì sẽ không khớp với các tài liệu, chứng từ khác nên đã thể hiện sự bất thường và vô lý như vậy.

Từ những thông tin và tài liệu do Công ty Thành Nam cung cấp cùng phân tích nêu trên, dư luận cho rằng đây không chỉ còn là vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty Thành Nam và Công ty Posco VST.

Bởi nếu như những phiếu xuất kho nêu trên của Công ty Posco VST không đúng với thực tế, có dấu hiệu bị làm giả nhằm chiếm đoạt tiền của Công ty Thành Nam thì các cơ quan công an cần sớm vào cuộc để làm sáng tỏ.

 

 

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận