Tang thương bao trùm con đèo An Khê, giáp ranh 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Trong một ngày, người dân 2 địa phương này chứng kiến 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó có 7 trẻ em.



Đau thương xé lòng

Nắng! Nóng! Rã rời! Mệt mỏi! Tang thương! Đó là cảnh tượng chúng tôi chứng kiến dưới chân đèo An Khê. Trong căn nhà nằm dưới chân đèo của chị Văn Thị Hoa (ngụ thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) tiếng kèn bát âm đầy đau thương vọng ra khiến ai cũng chạnh lòng.

Hình minh họa. (Ảnh: báo Người lao động)
Hình minh họa. (Ảnh: báo Người lao động)

Trong căn nhà xập xệ, bên bàn thờ hai con nhỏ Nguyễn Thị Phương Thanh (14 tuổi) và Nguyễn Thị Tuyết Băng (12 tuổi), chị Hoa ngất lên ngất xuống vì cùng lúc mất cha và hai con.

Chốc chốc, chị lại thất thểu đi về phía góc nhà nơi có hai chiếc cặp, chồng sách vở mà hai đứa con gái sắp xếp lại ngay ngắn khi kết thúc năm học.

Không thể tin rằng hai con đã mất, chị vừa nói vừa khóc: “Tối qua hai đứa còn nằm với tôi, chúng nó bảo nhà mình khổ quá, sau này tụi con sẽ học thật giỏi để nuôi cha mẹ và em. Trước khi đi với ông ngoại, tụi nó còn chạy ra xin tôi cho con đi một tí rồi con về liền, ai ngờ nó đi là đi luôn”.

Cạnh nhà chị Hoa không khí tang thương cũng bao trùm lên căn nhà nay đã vắng chủ của ông Văn Tấn Lãnh (68 tuổi). Trưa ngày 2/6, người đàn ông xấu số này cùng 3 cháu ngoại lùa đàn bò ra khu vực sông Bến Đồn (thuộc thôn Phú Mỹ) để tắm bò.

Trong lúc tắm bò, ông Lãnh bị trượt vào vùng nước sâu, 3 đứa cháu đứng chơi trên bờ thấy ông ngoại chới với dưới dòng nước nên lao ra cứu. Vậy là cả 4 ông cháu đều bị đuối nước. Ngoài 2 cháu nói trên còn có cháu Trần Thanh Tuấn (9 tuổi, ngụ khối Phú Văn, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) cũng là cháu ngoại ông Lãnh.

Chị Văn Thị Thu Hương (con gái ông Lãnh) sụt sùi cho biết: “Nhà có 5 chị em đều lập gia đình, ở riêng, chỉ còn cha mẹ nương tựa nhau. Thấy các con còn khổ, cha bảo mỗi đứa mua một con bò để cha chăm sóc giùm.

Buổi sáng xảy ra sự việc, cả nhà thấy trời nắng quá không cho đi nhưng chúng cứ nằng nặc xin đi, ai ngờ xảy ra sự việc đau lòng”. Ngay bên kia đèo An Khê, trên con đường nhựa trải dài của thôn Tân Lập (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy dòng người bước chầm chậm, ai cũng lặng lẽ, mắt đỏ ngầu vì khóc thương sự ra đi bất ngờ của 3 em nhỏ.

Nằm cạnh xã Ia Sao, xã Ia York cũng chìm trong tang thương khi một học sinh của địa phương này cũng ra đi vĩnh viễn trong vụ đuối nước cùng với 3 cháu ở xã Ia Sao.

Người dân kể lại, vào khoảng 17h30 chiều 2/6, nhóm 4 em gồm Nguyễn Lê Hải Yến (11 tuổi), Nguyễn Thị Hảo (10 tuổi), Đỗ Ngọc Thuận (5 tuổi, cùng ngụ thôn Tân Lập) và Tống Thị Quỳnh Hương (9 tuổi, ngụ xã Ia York) đến hồ C3 của Công ty Cà phê Ia Sao 2 (địa chỉ ở thôn Tân Lập) chơi nhưng không may bị trượt chân.

Khi nghe tin, người dân ở gần đó đến ứng cứu nhưng đã quá muộn. Xác 4 em lần lượt được vớt lên trong nỗi đau khôn xiết của người thân và hàng xóm láng giềng. Trong số 4 học sinh bị đuối nước, em lớn nhất học lớp 5, còn em bé nhất mới học mẫu giáo.

Sự ra đi bất ngờ của các em khiến những người cha, người mẹ đau đớn thất thần, họ không thể tin rằng con mình đã chết. Anh Nguyễn Thanh Hồng (cha em Yến) kể, trước khi đi làm, anh dặn con ở nhà xem tivi, đừng ra ngoài.

Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều thì anh nghe hàng xóm báo tin con chết đuối. “Con ơi là con, sao con không nghe lời cha. Con bảo cha thứ 2 dẫn con đi nộp hồ sơ lên lớp 6, mà sao con bỏ cha mẹ vậy. Con ơi”, anh Hồng gào khóc gọi con.

Cùng chung nỗi đau, chị Lê Thị Mơ (mẹ em Hảo) ôm khư khư chiếc quan tài con gái, khóc không thành tiếng. Đôi mắt chị ngây dại nhìn quanh như thể tìm con rồi ngất lịm đi trước di ảnh con. “Cha không kịp cho con đi chơi bù ngày 1/6 rồi”.

Đó là câu nói trong tiếng nấc nghẹn ngào của anh Đỗ Ngọc Cường (cha em Thuận). “Tôi đang công tác tại đơn vị Bộ đội Biên phòng, hôm trước là ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 tôi phải trực ở cơ quan nên không về đưa vợ con đi chơi được.

Tôi dự định hôm sau được nghỉ sẽ về nhà chở vợ con đi chơi bù thì không còn kịp nữa rồi”, anh Cường nghẹn ngào. Thuận là con đầu của anh Cường. Sự ra đi của Thuận thật sự là nỗi đau quá lớn của gia đình nhỏ của anh. Tai họa lại ập đến gia đình anh một lần nữa khi anh vừa mới về quê chịu tang cha được khoảng 20 ngày.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Ông Nguyễn Hữu Nghiêm - Trưởng thôn Tân Lập cho biết: “Hồ tưới cà phê C3 của Công ty Cà phê Ia Sao 2 đến nay đã xảy ra 4 vụ đuối nước và làm chết 8 cháu bé. Ngoài ra, ở đây có 2 hồ khác cũng từng xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Hồ nước C3 này rất sâu nhưng lại không có cảnh báo. Người dân đã nhiều lần kiến nghị công ty cắm bảng báo nguy hiểm nhưng công ty không làm”. Trong khi đó, người dân xã Tây Phú cho biết, khu vực sông Bến Đồn là nơi người dân địa phương thường hay đưa bò ra tắm vào mùa nắng nóng.

Tuy nhiên, mấy ngày qua trên địa bàn xã có mưa to nên bên cạnh những mô đất cạn, lòng sông xuất hiện thêm những vị trí sâu. Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn huyện Tây Sơn xảy ra những vụ tai nạn đuối nước như thế này.

Trước đó vào giữa tháng 3, một nhóm học sinh của Trường THCS Võ Xán (thị trấn Phú Phong) rủ nhau ra khu vực gần sông Bến Đồn tắm cũng bị nước cuốn trôi khiến một học sinh tử vong.

Tháng 9 năm ngoái cũng xảy ra một vụ đuối nước nghiêm trọng gần khu vực này, khiến 3 học sinh của Trường THPT Tây Sơn tử vong. Theo ông Bùi Văn Mỹ - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, thời gian qua, huyện đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước.

Trong tháng 5 vừa qua, huyện cũng đã ban hành và triển khai kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em huyện Tây Sơn giai đoạn 2016 - 2020; trong đó sẽ tập trung tổ chức các lớp học bơi miễn phí, kỹ năng thoát hiểm, phát cặp phao cho học sinh ở các xã có sông, suối chảy qua ngay trong dịp hè này.

“Sau sự việc này, chúng tôi đã yêu cầu các xã, nhất là các địa phương có sông, suối chảy qua tích cực tuyên truyền vận động; tổ chức các lớp kỹ năng nhằm nâng cao ý thức cho phụ huynh và học sinh để không xảy ra những sự cố đáng tiếc nữa”, ông Mỹ nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải - Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở Lao đồng - Thương Binh và Xã hội tỉnh Gia Lai), để tránh được những tai nạn thương tâm về đuối nước thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ nhà trường và phụ huynh các em học sinh. Song song là cung cấp kiến thức và kỹ năng, tạo những sân chơi bổ ích giúp các em tránh được những tai nạn đáng tiếc.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận