Được biết, mới đây Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản về việc đôn đốc giải quyết đơn của bà Nhung...



Phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam, bà Trần Thị Nhung (trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), cho biết nhiều năm nay mẹ bà và bà đã có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến các cơ quan huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) để đòi lại thửa đất số 70, tờ bản đồ số 03 tại thôn Cẩm Khê, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu là đất tổ tiên bà để lại với mong muốn làm nơi thờ cúng liệt sỹ Tưởng Duy Ngoãn (hy sinh năm 1968).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo bà Nhung, vào những năm 1960 gia đình bà phải đi làm ăn xa, nên có cho bà Tường Thị Khương mượn và trông nom hộ. Đến năm 1991, mẹ bà là cụ Tường Thị Nhượng (SN1936) về đòi lại nhà đất để thờ cúng liệt sỹ Tưởng Duy Ngoãn thì lúc này lại thấy gia đình ông Đỗ Quang Trinh sinh sống trên diện tích của gia đình bà. Gia đình bà đã báo cáo sự việc đến UBND xã, nhưng được cho là thiếu “chứng cứ” nên không giải quyết, đồng thời lúc này gia đình bà cũng không biết bà Khương ở đâu để hỏi rõ ngọn ngành(?).

Phải đến năm 2009, gia đình bà mới biết được bà Khương đang sinh sống tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, gia đình bà được bà Khương viết một lá đơn đề nghị gửi UBND, Công an xã Văn Hán (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) và UBND xã Liên Khê (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) xin xác nhận một sự việc như sau: “… Khoảng năm 1963, gia đình tôi có bà Tường Thị Sử, bà Tường Thị Nhượng, ông Tường Duy Ngoãn (liệt sỹ) là em họ của tôi tại quê, có một thửa đất, nhà ở, cây màu khoảng trên 300m2 là đất của tổ tiên để lại cho các em tôi đi xây dựng kinh tế miền núi và cậu em út lên đường nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường B và có giao lại toàn bộ đất ở 300m2 để tôi và gia đình sử dụng đến năm 1973, tôi và gia đình đi khai hoang tại làng Hỏa, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ cho đến nay.

Trước khi đi tôi có giao cho anh chồng tôi là ông Đỗ Quang Trinh người cùng làng mượn toàn bộ thửa đất, nhà ở, cây màu 300m2 để trông nom hộ tôi. Gia đình tôi khẳng định là không bán thửa đất 300m2 nói trên cho gia đình ông Đỗ Quang Tính (là anh chồng). Nay có sự chứng kiến của bà Tường Thị Khương, Tường Thị Nhượng cùng các con cháu trong gia đình tôi là anh Đỗ Quang Trinh chứng kiến sự việc trên là đúng sự thật”.

Được biết, do bà Khương tuổi cao và ông Trinh không biết chữ nên đã điểm chỉ vào đơn đề nghị này. Cùng ngày 11/9/2009, UBND và Công xã Văn Hán đã xác nhận, chứng thực bà Tường Thị Khương là công dân của xã Văn Hán và đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết.

Trên cơ sở đó, năm 2009 mẹ bà Nhung là Tường Thị Nhượng đã có đơn xin xác nhận (nguồn gốc đất ở) có nội dung:“… Mảnh đất này là của bố tôi là ông Tường Duy Tiến và mẹ tôi là bà Tràng Thị Phà sau khi mất (chết) các cụ để lại cho 03 chị em chúng tôi là Tường Thị Sử (SN1934), Tường Thị Nhượng (SN1936) và Tường Duy Ngoãn (SN1945 là liệt sỹ). Trước khi 03 chi em đi thoát ly, đất thổ canh tôi giao lại cho xã, đất thổ cư tôi cho bà chị họ là Tường Thị Khương mượn và trông nom hộ (hiện nay bà Khương đang thường trú tại làng Hỏa, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên…” gửi Chủ tịch UBND xã Liên Khê và các ban ngành trong xã.

Theo đó, ngày 20/11/2009, ông Bùi Văn Thuận Chủ tịch UBND xã Liên Khê đã xác nhận: Đơn đề nghị của bà Tường Thị Nhượng đề nghị nội dung thửa đất số 70, tờ bản đồ số 3 có diện tích 331m2 hiện trong hồ sơ của xã đang quản lý do ông Quang Đức Sàng đang sử dụng. Nguồn gốc của mảnh đất trong đơn trình bà là đúng.

Trên cơ sở đơn của bà Nhượng, ngày 8/8 và ngày 22/8/2009, UBND xã Liên Khê đã mời đại diện gia đình ông Quang Đức Sàng (tức Đỗ Đức Sàng – con ông Đỗ Quang Tính-PV) và đại diện gia đình bà Nhung đến để giải quyết.  

Tại buổi hòa giải, ý kiến gia đình bà Nhung cho rằng, đất của tổ tiên nguyện vọng gia đình muốn hòa giải để có đất xây nhà thờ tổ tiên và thờ cúng liệt sỹ Tưởng Duy Ngoãn. Tuy nhiên, đại diện phía gia đình ông Sàng cho rằng, đất hiện nay mang tên bố ông Sàng (tức ông Đỗ Quang Tính) khi bố ông Sàng chết chỉ để lại bìa đỏ chứ không để lại giấy tờ khác, đất chưa sang tên nên ông chưa được quyền quyết định. Ông Sàng cũng đề nghị được về nhà bàn bạc thống nhất trong gia đình.

Quan điểm của UBND xã Liên Khê, nguyện vọng của gia đình bà Nhung là chính đáng, qua nghe ý kiến của hai bên đều có tình có lý, ông Sàng kiến nghị xin về họp gia đình để bàn bạc trong vòng ba ngày kể từ ngày hôm nay. Việc bàn bạc của gia đình nếu đạt theo tinh thần cuộc hòa gải thì UBND xã tiếp tục làm việc bước tiếp theo hoặc nếu không được thì lập hồ sơ chuyển cấp trên. Ý kiến đại diện của MTTQ xã cho rằng, điều kiện gia đình bà Nhượng là gia đình liệt sỹ, bà Nhượng đã cao tuổi nay muốn về tại mảnh đất tổ tiên để xây nhà thờ theo tập quán của người Việt Nam là chính đáng đề nghị hai bên giải quyết tình cảm.

Bà Nhung cho biết, nhưng từ đó đến nay gia đình bà đã đi lại và có rất nhiều đơn gửi UBND xã Liên Khê, UBND huyện Khoái Châu và UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị giải quyết trả lại đất cho gia đình bà nhưng vẫn chưa cơ quan nào giải quyết dứt điểm. Trong khi đó mẹ bà và bà Sửu đã già yếu, không biết có còn sống để thực hiện ước nguyện xây nhà thờ tổ tiên và thờ cúng em trai là liệt sỹ nữa hay không?

z4725000083831_d5d4febfe4de2a24ebbfa5617332880b

 

z4725000091080_7058940fc9deeb49575a21b065556b5a

 

Được biết, mới đây Thanh tra Bộ TNMT và UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản về việc đôn đốc giải quyết đơn của bà Nhung, theo đó yêu cầu UBND huyện Khoái Châu khẩn trương giải quyết đơn của công dân theo quy định của pháp luật, trả lời công dân; báo cáo Bộ TNMT (qua Thanh tra Bộ) và UBND tỉnh kết quả giải quyết trước ngày 30/9/2023.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc trên.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận