Theo TAT Law Firm, cần đặt “nhân dân” vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...



Dự thảo Luật đất đai sửa đổi vừa qua đã ghi nhận nhiều điểm mới so với Luật đất đai cũ. Theo đó đã có nhiều đột phá trong các quy định mới như khu thu hồi đất phải đảm bảo chỗ ở mới phải tốt hơn hoặc bằng chỗ ở cũ, giá đất đảm bảo giá thị trường…

Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law Firm) đánh giá cao sự tiếp thu của Ban soạn thảo đối với ý kiến của các cơ quan bàn ngành, đoàn thể, nhân dân trong Dự thảo luật đất đai, dự thảo lần này đã đảm bảo khoa học,tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Tuy nhiên, để hoàn thiện, nhà nước cần tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về dự thảo luật. Trong góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Quốc hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, TAT Law Firm nhận thấy dự thảo Luật đất đai lần này vẫn còn tồn đọng một số vấn đề, trước tiên về việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Dự thảo quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất) đảm bảo giữa Quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải phù hợp, thống nhất. Tuy nhiên, thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất lại không được quy định. Các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất gồm ngành nào, lĩnh vực nào, căn cứ cơ sở xác định các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Cần có quy định cụ thể về vấn đề này để tránh sự chồng chéo trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về quy định việc lấy ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện ngoài lấy ý kiến các cơ quan ban ngành còn lấy ý kiến của “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” (quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 điều 68).

Việc quy định việc lấy ý kiến cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là khá chung chung không thấy rõ được yếu tố “nhân dân”.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: Cần đặt nhân dân vào vị trí trung tâm để lấy ý kiến khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch đất tác động chính tới nhân dân, làm thay đổi hiện trạng sinh sống của người dân nên người đầu tiên phải xin ý kiến là nhân dân. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định việc lấy ý kiến lại không đưa nhân dân vào vị trí trung tâm. Do đó, cụm từ “cộng đồng, cá nhân khác có liên quan về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” nêu trong điểm a khoản 1, điểm a khoản 2,  điểm a khoản 3 điều 68 Dự thảocần thay thành “nhân dân vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” để đảm bảo việc lấy ý kiến người dân tại các vùng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Liên quan đến, Khoản 2 điều 71 Dự thảo quy định một trong các căn cứ điều chỉnh quy hoạch gồm: Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch sử dụng đất(điểm đ);Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất(điểm e).

TAT Law Firm cho rằng, căn cứ này là mơ hồ, bởi biến động bất thường của tình hình kinh tế xã hội rất khó lý giải, còn khoa học công nghệ phát triển hàng ngày, hàng giờ. Nếu không có lý do nào khác thì rất có thể lý do này sẽ được ra để điều chỉnh quy hoạch (vì lý do này mơ hồ không xác định chính xác được), điều này dẫn đến hệ quả là nếu 5 năm điều chỉnh một lần vì những lý do này thì quy hoạch sử dụng đất sẽ bị phá nát trong khi đó tầm nhìn quy hoạch 30 -50 năm. Do đó, để khắc phục vấn đề này, TAT Law Firm đề xuất xoá bỏ 02 căn cứ nêu tại điểm đ, điểm e khoản 2 điều 71 Dự thảo.

Cũng theo TAT Law Firm, hiện tại Dự thảo quy định việc công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên công thông tin điện tự và trụ sở chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quy định này chưa đảm bảo người dân có thể tiếp cận được, bởi thực tế Luật cũ đã có quy định tương tự nhưng phần lớn người dân đều không biết đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Không có cơ chế kiểm soát việc công khai của các cấp chính quyền, một bộ phận người dân chưa tiếp cận được với công nghệ thông tin, đặc biệt các vùng nông thôn.

Do đó, cần quy định quyền tiếp cận các thông tin này cho người dân trong nội dung điều 73, theo đó bổ sung thêm điều 73 nội dung “các cấp chính quyền có trách nhiệm công khai, cung cấp các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi người dân có yêu cầu”, cần có nghị định quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin cho người dân bằng các phương thức gửi thư điện tử hoặc bản giấy trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

Ngoài ra, TAT Law Firm cho rằng,  dự thảo Luật đất đai, các chế định về quy hoạch chưa giải quyết được vấn đề bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt là những quy hoạch treo, dự án kéo dài hàng chục năm, người dân vùng quy hoạch bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của họ không được giải quyết. Đời sống người dân rất vất vả họ không thể thực hiện bất kỳ hoạt động gì đối với nhà đất của mình vì những quy hoạch treo, nhà cửa hư hại xuống cấp thậm chí nguy cơ đến tính mạng nhưng không được sửa chữa, không thể thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng…

Do đó, cần bổ sung thêm điều khoản trong phần Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để giải quyết quyền lợi cho người dân tại vùng quy hoạch. Cụ thể, TAT Law Firm kiến nghị bổ sung những quy định như sau:

Đối với những quy hoạch ảnh hưởng đến đời sống người dân mà phải thay đổi chỗ ở thì kể từ thời điểm phê duyệt quy hoạch thì phải hoàn thành việc bồi thường, tái định cư đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong thời hạn 05 năm. Hết thời hạn không thực hiện được quy hoạch thì điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng đảm bảo ổn định nơi ở người dân.

 

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận