Trước khi mất, bố tôi có để lại khoản nợ 200 triệu đồng. Vậy theo pháp luật, tôi và gia đình tôi có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ này hay không?



Bạn đọc Nguyễn H. (Thanh Hóa) hỏi: Gia đình tôi có 4 thành viên gồm bố mẹ, tôi và em trai. Sau khi bố tôi qua đời 2 năm, ông A. đến nhà và nói với tôi rằng khi còn sống bố tôi có vay của ông A. số tiền 200 triệu đồng. Ông A. nói gia đình tôi có nghĩa vụ trả lại ông A. số tiền trên, nếu không sẽ kiện ra tòa.

Vậy quý báo cho tôi hỏi, trước khi mất bố tôi có để lại tài sản, trường hợp tòa án chứng minh bố tôi có vay tiền mà chưa trả cho ông A. thì gia đình tôi có phải trả số tiền này hay không? Trường hợp ông A. chỉ nói rằng bố tôi vay nợ nhưng lại không cung cấp được giấy vay nợ bản gốc giữa 2 bên cho Tòa án thì gia đình tôi có phải trả số tiền này theo yêu cầu của ông A. không?

vay-tien-tra-gop-thu-tuc-don-gian-1

Hình minh họa.

Luật sư Luật sư Khúc Thị Quyên – Công ty Luật Tiền Phong - Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời:

Đối với trường hợp Tòa án chứng minh là có khoản vay trên thực tế, căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại thì:

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, nếu bạn là người thừa kế tài sản mà bố bạn để lại thì bạn có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản (khoản nợ 200 triệu đồng) mà bố bạn để lại trong phạm vi phần di sản thừa kế được hưởng".

Thứ hai, đối với trường hợp ông A. không cung cấp được giấy vay nợ: Căn cứ theo Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:

“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp...

4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.”

Theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

“1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự

.4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định”.Chiếu theo quy định trên, ngoài giấy vay nợ thì còn rất nhiều loại nguồn để thu thập chứng cứ.

Vì vậy, trường hợp ông A. không cung cấp được giấy vay nợ bản gốc giữa 2 bên cho Tòa án thì Tòa án sẽ dựa trên những chứng khác đã thu thập được, từ đó sẽ ra quyết định về việc bạn có phải trả lại khoản nợ hay không.

Nếu không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của ông A. bị xâm phạm thì Tòa án sẽ bác yêu cầu khởi kiện. Gia đình bạn không có trách nhiệm trả nợ trong trường hợp này.

Trên đây là phần trả lời của chuyên gia pháp lý về trường hợp của bạn. Mọi vấn đề pháp lý cần giải đáp, mời bạn đọc gửi về Tòa soạn theo địa chỉ email: nguyenxinh@phapluatplus.vn.

Có thể bạn quan tâm

Gửi bình luận