Quảng Ninh đón hơn 660 nghìn lượt khách du lịch trong những ngày đầu năm mới
Trong 5 ngày đầu năm mới Quý Mão từ 22-26/1, Quảng Ninh đã đã đón hơn 660 nghìn lượt du khách đến với Quảng Ninh.
Theo thông tin từ Sở Du lịch, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (22-26/1/2023), các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 660.000 lượt khách.
Đặc biệt các điểm du lịch tâm linh như nùi thiêng Yên Tử, Đền Cửa Ông, Chùa Ba Vàng...là những nơi được du khách đến đông hơn hẳn so với mọi năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, Lượng khách đến các điểm du lịch tâm linh tăng từ 6-8 lần so với ngày thường. Trong đó, Khu di tích và danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí) đón khoảng 145.000 lượt khách; đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 56.000 lượt khách; chùa Lôi Âm, Đức Ông, Long Tiên (TP Hạ Long) đón trên 8.500 lượt khách; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (Quảng Yên) đón gần 28.300 lượt khách.

Các điểm du lịch tâm linh luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách thập phương về với Quảng Ninh thăm quan, vãn cảnh trong những ngày đầu năm mới.
Một số điểm du lịch nổi tiếng, khu vui chơi giải trí cũng đón lượng khách tăng từ 40-50% so với ngày thường. Như Vịnh Hạ Long đón khoảng 20.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 10.550 lượt; Khu vui chơi giải trí Sun world Hạ Long đón gần 8.000 lượt khách; Bảo tàng Quảng Ninh đón 3.500 lượt khách....
Các địa phương như TX Đông Triều đón gần 86.300 lượt khách, huyện Vân Đồn đón 104.600 lượt khách, Móng Cái đón gần 6.100 lượt khách...
Quảng Ninh là một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh Quảng Ninh xác định là một loại hình du lịch góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để thu hút du khách về các điểm du lịch tâm linh, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tích cực xây dựng những tour, tuyến, điểm du lịch hợp lý, đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh tại các điểm du lịch, di tích, danh thắng cũng được đặt lên hàng đầu. Từ đó, thu hút du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Gửi bình luận