e magazine
"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

17/04/2024 13:49

70 năm nhìn lại sự kiện “chấn động địa cầu”, sự kiện đã khiến thế giới ngỡ ngàng trước sức chiến đấu và giành thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Một huyền thoại góp phần cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy chính là hành trình kéo những khẩu pháo nặng trên 2 tấn vào trận địa hoàn toàn bằng sức người qua những con đường đèo núi quanh co, đầy nguy hiểm, sự kiện mà chính những chuyên gia quân sự hàng đầu đương thời cũng cho rằng là phí lý và không thể thực hiện được.
"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

HUYỀN THOẠI

ĐƯỜNG KÉO PHÁO

TRONG CHIẾN DỊCH

ĐIỆN BIÊN PHỦ

70 năm nhìn lại sự kiện “chấn động địa cầu”, sự kiện đã khiến thế giới ngỡ ngàng trước sức chiến đấu và giành thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Một huyền thoại góp phần cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy chính là hành trình kéo những khẩu pháo nặng trên 2 tấn vào trận địa hoàn toàn bằng sức người qua những con đường đèo núi quanh co, đầy nguy hiểm, sự kiện mà chính những chuyên gia quân sự hàng đầu đương thời cũng cho rằng phí lý và không thể thực hiện được.

70 năm thiên sử vàng

Trở lại thành phố Điện Biên Phủ vào những ngày đầu tháng Tư của tròn 70 năm kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), không khí hồ hởi và náo nhiệt như sống lại những kí ức hào hùng năm ấy.

Từ phát súng đầu tiên vào ngày 13/3/1954, bộ đội ta đã có 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), đã vượt qua mưa bom, bão đạn để cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng trên nóc hầm Đờ-xcát.

"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Di tích hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 lính địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đồi A1 nơi diễn ra trận đánh đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

HUYỀN THOẠI CON ĐƯỜNG KÉO PHÁO BẰNG SỨC NGƯỜI

Đèo Pha Đin, theo ngôn ngữ của người Thái thì đây là nơi giao thoa giữa đất và trời, đây cũng chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Vượt qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, núi cao, lực lượng pháo binh của ta đã kéo 68 khẩu trọng pháo vào trận địa Điện Biên Phủ, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries. Mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn vượt núi cao chỉ bằng sức người đã vượt quá sức tưởng tượng của những người sản xuất loại khí tài này.

Từng khẩu pháo khổng lồ đã được những người chiến sĩ “chân đồng, vai sắt” đưa lên tận đỉnh Pha Sông cao 1.500m trong màn đêm, khi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút, cùng những khẩu lệnh ngắn gọn, đơn giản của người chỉ huy đã tạo nên sức mạnh thúc giục tinh thần chiến đấu, tạo nên ý chí, nghị lực phi thường, giúp những người lính vượt lên mọi cản trở của địa hình đưa pháo vào trận địa an toàn.

"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ
"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau gần 10 ngày đêm gian khổ, pháo của quân đội ta đã được kéo vào trận địa. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình hình của địch, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi sang phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Để đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch, lệnh kéo pháo được ban bố để di chuyển những khẩu trọng pháo đến trận địa mới.

Một lần nữa bộ đội ta lại phải đương đầu với đèo cao, vực thẳm và bom đạn, bí mật kéo pháo rời khỏi lòng chảo ra địa điểm tập kết an toàn.

Chính trong lần kéo pháo này, chiến sĩ Tô Vĩnh Diện, đã hy sinh thân mình để cứu pháo, không để pháo rơi xuống vực tại dốc Chuối, trở thành một tấm gương sáng, cổ vũ cho tinh thần đồng đội quyết chiến, quyết thắng.

"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đại tá, cựu chiến binh Trần Liên, nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Ra-đa, năm nay đã bước sang tuổi 97 nhưng vẫn nhớ như in về cuộc hành trình trên con đường huyền thoại cách đây 70 năm.

"Là cán bộ tham mưu được cử vào tham gia chiến dịch, chúng tôi đã đưa 2 tiểu đoàn về tập kết ở Tuyên Quang và chờ quyết định ở trên.

Bộ quốc phòng quyết định sử dụng công binh và thanh niên xung phong để làm đường đưa pháo vào trận địa và tất cả đều phải hành quân đêm, đi ban ngày địch sẽ phát hiện. Đến đầu tháng Giêng năm 1954 chúng tôi đã tập kết ở khu vực Tuần Giáo, thực hiện kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” và phải kéo pháo từ đường 41 sang chính diện mặt trận phía Bắc. Ban đầu dự kiến tập trung 1 tiểu đoàn bộ binh cùng với công binh và bộ đội cao xạ tổ chức làm tời kéo pháo và làm đường kéo pháo.

Dự kiến kéo trong 1 ngày 1 đêm, khi đưa ra quyết định kéo pháo bằng tay các chuyên gia cố vấn đi theo chúng tôi họ đã phản đối. Pháo binh không thể thể kéo bằng tay được, pháo binh phải cơ giới, phải ô tô chứ người không thể kéo pháo bằng tay. Mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn mà phải vượt qua ngọn núi cao hơn 1200m là điều không thể, nên đành phải bố trí đưa họ về hậu phương.

"Huyền thoại" con đường kéo pháo bằng sức người trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Về kế hoạch kéo pháo lên đến 5 nghìn người dự định kéo trong 1 ngày đêm, kéo cả ban ngày, kéo đến đâu ngụy trang đến đó tuy nhiên kế hoạch ban đầu đã ko đạt được.

Từ ngày 16/1 đến ngày 26/ 1/1954 , 10 ngày mới kéo được 2 đại đội pháo cao xạ và pháo 105 qua bên kia còn 32 khẩu vẫn đang rải rác trên đường kéo lên. Sau khi nghiên cứu tình hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển sang phương án “đánh chắc thắng chắc” và ra lệnh hoãn tiến công và kéo pháo ra tập kết.

Kéo pháo lên đã vất vả gian khó thì kéo pháo xuống lại càng gian khó hơn. Bây giờ lại phải thả xuống, cần có sức để kìm lại, mỗi khẩu pháo nặng 2.4 tấn kìm lại rất là mệt, đứt dây tời là pháo rơi xuống vực ngay.

Chính trong lúc kéo pháo xuống này thì đồng chí Tô Vĩnh Diện là khẩu đội trưởng, có nhiệm vụ cầm càng để điều kiển khẩu pháo và khi đang thả pháo xuống thì bị đứt dây tời và khẩu pháo lao xuống, đồng chí Diện đã dũng cảm giữ càng pháo cố gắng đưa về vách núi để giữ pháo, đồng chí bị ngã xuống pháo chèn lên và đồng chí đã hy sinh..."

Kéo pháo bằng tay là cách đánh có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới. Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện đã đi vào lịch sử như một huyền thoại - quên mình cứu pháo; biểu tượng của ý chí "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"!

Con đường kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã trở thành con đường huyền thoại. Và cụm tượng đài kéo pháo bằng tay bên dòng sông Nậm Rốn ( xã Nà Nhạn huyện Điện Biên) vinh danh trung đội pháo binh của anh hùng Tô Vĩnh Diện đã được dựng hiên ngang trên triền đồi Bó Hôm năm nào./

Hà My - Thanh Hà

Đồ họa: Hà Thư

Huyền My - Hà Thư